Có một câu mà Sang thấy rất hay và rất đúng với cuộc đời mình, đó là: Khi rơi xuống vực thẳm, bạn chỉ còn một đường duy nhất, đó là leo lên. Nói cách khác, khi bạn đã chạm đáy, bạn chỉ có duy nhất một sự lựa chọn, đó là tìm cách trèo lên.
Thời gian ở Sing và Hồng Kông, Sang cắm mặt vào những cuốn sách, kéo "vali" đi học vì phải đựng quá nhiều sách vở, và học miệt mài từ sáng đến tối. Sang luôn giữ trong mình ý nghĩ: "Mình không giỏi, vì thế mình phải cố gắng hơn người khác, nghiêm khắc với bản thân hơn người khác." Cứ thế, sau nhiều năm, Sang tham gia biết bao nhiêu chương trình, đọc biết bao nhiêu sách, đi biết bao nhiêu nước. Cho đến khi có một người khen Sang, với những tính từ mà thậm chí Sang còn không nghĩ rằng những điều đó đang mô tả về mình. Thì ra, Sang đã không còn là cậu nhóc học dở, sống không mục đích và nghiện game ngày nào nữa.
Sang bất giác nhận ra một điều, rằng khi bạn siêng năng và không bỏ cuộc, điểm xuất phát của bạn trở nên ít quan trọng. Bởi vì bạn sẽ sớm bỏ xa điểm xuất phát ấy khi đã có đủ quyết tâm. Sang tin rằng, có lẽ ba của Sang đã biết trước điều này, nên ông mới bảo Sang tự đi tìm con đường, "chỉ cần không bỏ cuộc là được". Hóa ra khi bạn không bỏ cuộc, khi bạn đủ quyết tâm, thì con đường mà bạn chọn và trạng thái hiện tại của bạn chỉ trở thành điều thứ yếu.
Xuất phát sau cũng không sao. Chạy nhanh hơn là được!
Điều thú vị là, khi Sang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Ba ơi, làm sao học dở mà vẫn giàu hả ba?", Sang lại thu hoạch được những thành quả khác. Sang mường tượng toàn bộ quá trình mà mình đã đi qua giống như một hành trình đi tìm kho báu – ở đó, người ta đồn rằng, có rất nhiều vàng. Nhưng khi đến nơi, Sang không chỉ tìm thấy vàng, mà còn nhìn thấy rất nhiều kim cương – thứ đáng giá hơn vàng rất nhiều.
Đó là câu trả lời cho một câu hỏi thậm chí còn quan trọng hơn.